Chiều tối 9/7, trong căn phòng trọ miễn phí ở tầng ba của chùa Bằng (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Hường mẹ thí sinh Trần Thị Thu Hằng (ở thôn Liên Hà 2, phường Lộc Hạ, Nam Định) đang động viên con thi tốt. Người mẹ có khuôn mặt khắc khổ, da sạm đen trông già hơn nhiều so với tuổi 53 ngồi thu mình một góc nhìn con đùa nghịch và khoe với bạn cùng phòng rằng mới mấy hôm lên Hà Nội đã tăng cân vì thức ăn ở chùa "giống như một bữa tiệc".
Trước khi lên Hà Nội thi đại học, Hằng và mẹ tranh thủ dậy từ 5h sáng mót rau bán. Do ruộng quanh nhà bị lấp không còn cua, ốc nên gia đình Hằng chỉ trông chờ vào vài mớ rau muống. Thương cô bé nhà nghèo hiếu học, hàng xóm góp được hơn 400.000 đồng cho mẹ con Hằng "lai kinh". Nhưng chỉ riêng tiền ôtô đã tốn hơn nửa khoản tiền mang theo nên khi được ăn, ở miễn phí tại chùa, mẹ con chị Hường cảm động rớt nước mắt.
Cô Hường, mẹ thí sinh Trần Thị Thu Hằng. |
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, Hằng luôn né tránh và chạy đi, bỏ lại mẹ đang gọi với theo. Người mẹ nhỏ thó thu mình trong bộ quần áo dày cũ kỹ cũng không dễ mở lòng nói về ba đứa con, ông chồng "Chí Phèo" và công việc mò cua, bắt ốc. Ở nhà, công việc hàng ngày của cô là mò cua, bắt ốc. Không có việc gì kiếm ra tiền, 3 đứa con cũng thay phiên nhau giúp mẹ đi mò không kể mùa đông hay hạ.
"Thằng anh lớn sinh năm 1991 đi mò ở ruộng từ 6h tối đến 10h đêm còn cái Hằng đi bắt cua, ốc từ 3h đến 7h sáng rồi về đi học. Cả hai đều nhịn đến tận trưa về mới được ăn", cô Hường kể và cho hay, số tiền kiếm được từ cua ốc cũng không đáng là bao nên bữa ăn của gia đình phải nhờ vào lòng tốt của hàng xóm.
Ngay từ nhỏ, cả ba chị em Hằng đều được "luyện" ăn ít, mỗi ngày ăn hai bữa và chỉ buổi tối mới được ăn cơm. Còn buổi trưa mỗi người sẽ được một bát cháo nấu lẫn rau rồi nhịn đến tối. "Ngày nào mấy đứa cũng hỏi hàng xóm xem mấy giờ rồi để đợi đến giờ ăn tối. Mãi rồi chúng cũng quen", người mẹ nghẹn ngào tâm sự.
Nhưng khi nói về ông chồng "Chí Phèo", người vợ tỏ ra cam chịu: "Làm được đồng nào, ông ấy lại theo bạn bè đi say sưa tối ngày. Nhiều hôm say khướt, ông ấy còn được người đi đường cho lên xích lô rồi chở về nhà. Bố cái Hằng có chửi bới, đập phá thế nào thì mấy mẹ con cũng phải cắn răng phục vụ".
Mảnh đất gia đình đang ở bị giải tỏa để xây khu công nghiệp. Cầm món tiền vài chục triệu "cả đời chưa từng nhìn thấy, sờ thấy" chưa ấm tay, chồng chị đã nướng hết vào rượu chè. Không còn đất, cả nhà "nhảy dù" sống gần nghĩa địa. Mỗi lần say rượu, ông lại đốt túp lều rách nên họ hàng, làng xóm thương tình xây giúp ngôi nhà nhỏ vừa đủ kê hai chiếc giường.
Trước hôm lên Hà Nội, Hằng (ngoài cùng bên trái) phải cùng mẹ mò cua, mót rau lấy tiền đi thi. |
Thấy mình cứ mãi nghèo khổ nên chị Hường luôn cố gắng làm lụng để mong cho hai cô con gái và một cậu con trai đều được thi đại học. Nhưng vì không có điều kiện nên hai con đầu dù đỗ cao đẳng vẫn phải ở nhà đi làm. Lần này, muốn con gái út được một lần ra Hà Nội, cô lại đưa con đi thi.
Sau khi thi xong khối A ở Nam Định, Hằng lại cùng mẹ lên Hà Nội thi khối D vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Địa điểm thi cách xa chùa Bằng nên Hằng phải nghỉ trưa tại trường và được mẹ cho 20.000 đồng ăn cơm. Nhưng Hằng chỉ dám ăn một cái bánh mỳ và uống nước lọc mà cũng mất 15.000 đồng.
"Cháu muốn thi đỗ để sau này làm công việc bàn giấy nhưng đỗ rồi thì cũng không đi học được vì tiền đâu. Cua, ốc giờ cũng hết rồi", người mẹ lại trầm tư và ước, giá như biết trước được thông tin nhà xe miễn phí cho sĩ tử và đăng ký ngay từ nhà, cô sẽ gần như "bảo toàn" được số tiền mang đi để về đong gạo cho các con
No comments:
Post a Comment